Bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các DN Việt Nam nói chung và DN ngành VLXD nói riêng phải tận dụng cơ hội phát triển, nếu không chính DN sẽ bị bỏ lại phía sau.
Thách thức ở phía trước
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tài nguyên khoáng sản không còn là lợi thế tuyệt đối với DN sản xuất VLXD, lợi thế tuyệt đối của DN chính là ứng dụng thành công giá trị KHCN sản xuất trong cuộc cách mạng 4.0, tự động hóa, gắn với đổi mới hoàn thiện quản trị DN, giữ ổn định sản xuất, tiết kiệm trong các khâu đầu vào, nâng cao năng suất tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra các loại sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã cạnh tranh trên thị trường...
Mặc dù, Nhà nước ban hành chính sách khuyến khích DN đầu tư có công nghệ cao và sản xuất sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng nâng cao giá trị KHCN trong sản xuất, giảm tỷ trọng giá trị tài nguyên, chí phí năng lượng trong giá thành sản xuất nhưng thực tế trong cơ cấu giá thành sản xuất VLXD trên một đơn vị sản phẩm còn cao, chiếm từ 50 - 70% giá trị sản phẩm) tỷ trọng sử dụng tài nguyên khoáng sản trong sản xuất VLXD còn lớn, giá trị tài nguyên khoáng sản còn chiếm phần lớn trong giá trị mặt hàng VLXD...
Theo Vụ VLXD, một trong những thách thức mà ngành VLXD đang phải đối mặt chính là việc đầu tư cho KHCN trong nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất phát triển sản xuất VLXD chưa tương xứng, chưa có những sản phẩm VLXD mới, mang tính đột phá, tiên phong bắt kịp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn vốn hàng năm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, áp dụng KHCN tại DN và các viện nghiên cứu còn thấp (chiếm tỷ lệ nhỏ so với giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng mà ngành VLXD đem lại).
Cách mạng 4.0 và cơ hội cho ngành VLXD
Phát triển ngành VLXD trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở cho ngành VLXD nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt kịp thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất và chế tạo VLXD hiện nay là một cơ hội đổi mới và phát triển ngành VLXD của tương lai.
Theo chuyên gia của Vụ VLXD, thời gian tới, ngành VLXD cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm chi phí đồng bộ các khâu từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, triển khai các hướng nghiên cứu KHCN mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh…
Môt số công nghệ sản xuất được nghiên cứu, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các lĩnh vực VLXD được dự báo phát triển nhanh trong thời gian tới gồm: Vật liệu cho kết cấu tập trung theo hướng những loại vật liệu bền, thiết kế mô hình cấu kiện vật liệu, lắp ghép, thi công thuận tiện; vật liệu bao che nhẹ, cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước, thi công, lắp ghép nhanh; vật liệu trang trí, hoàn thiện: Hấp thụ tia UV hoặc phản xạ tia UV cho ánh sáng trắng truyền quang…
Đổi mới phương thức quản lý nhà nước
Theo Vụ VLXD, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý VLXD; đổi mới phương thức quản lý nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính đối với DN, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước như: Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với VLXD mới, thiết bị công nghệ VLXD mới trong thời kỳ phát triển công nghiệp 4.0; đồng thời xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiến trúc, kết cấu, thẩm định, kiểm tra giám sát thi công các công trình và chất lượng VLXD mới; xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và sử dụng VLXD mới, có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất VLXD đầu tư, đổi mới công nghệ tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa phù hợp với các tiêu chí phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngăn chặn làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực, trình độ quản lý nhà nước và quản trị DN...
Thảo Ngọc/baoxaydung.com.vn